Khác với phương pháp truyền thống được ghi chép bằng tay, lưu trữ bằng giấy tờ sổ sách, truy xuất nguồn gốc điện tử có thể cung cấp dữ liệu nhanh chóng và đơn giản qua các thiết bị smartphone hay máy tính bảng.
Hiện nay mối quan tâm của người tiêu dùng về thực phẩm không chỉ về giá mà còn cả sự minh bạch về nguồn gốc. Điều này khiến các nhà sản xuất phải tăng cường khả năng truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm của mình để tạo sự an tâm cho khách hàng và tăng cường uy tín doanh nghiệp.
Với nhiều quốc gia trên thế giới, truy xuất nguồn gốc là một yếu tố quan trọng trong sản xuất thực phẩm. EU đã đưa truy xuất nguồn gốc trở thành quy định bắt buộc đối với các nước thành viên của EU từ ngày 1/1/2005.
Mỹ đã ban hành Đạo luật Hiện đại hóa An toàn thực phẩm (FSMA) vào tháng 1/2011, yêu cầu tăng cường theo dõi, truy vết thực phẩm và lưu trữ hồ sơ đối với thực phẩm nguy cơ cao (phải có hệ thống lưu trữ hồ sơ dễ tiếp cận, khi cần thiết có thể gửi tới cơ quan thẩm quyền trong thời gian 24 giờ kể từ khi nhận được yêu cầu của cơ quan kiểm tra). Tương tự, Canada cũng quy định nghiêm ngặt về việc dán nhãn, nhận diện sản phẩm, cơ sở sản xuất…
![]() |
Truy xuất nguồn gốc sản phẩm đang dần trở thành yêu cầu bắt buộc. Điều này cho thấy, nông sản Việt Nam muốn có chỗ đứng vững chắc tại những thị trường lớn thì thực hiện truy xuất nguồn gốc là yếu tố sống còn. Nhưng khó khăn hiện tại là mức đầu tư mà nhà sản xuất phải bỏ ra không hề nhỏ.
Tuy nhiên quy trình này có thể được tối ưu hóa chi phí nhờ ứng dụng công nghệ hiện đại. So với phương pháp truy xuất nguồn gốc truyền thống phải ghi chép bằng tay, lưu trữ thông tin trên giấy tờ sổ sách, thì giải pháp truy xuất nguồn gốc điện tử có nhiều ưu điểm hơn.
Nhờ khả năng truy xuất dữ liệu từ xa qua các thiết bị di động nên thông tin được yêu cầu có thể trình báo mọi lúc, mọi nơi, trong hệ thống phân phối hay cả tại cửa khẩu. Những dữ liệu này có thể thu nhận được qua đầu đọc kiểm tra mã số, mã vạch trên sản phẩm, máy tính bảng và điện thoại di động, giúp giảm bớt sự phức tạp trong các quy trình khai báo thông tin của các nhà xuất nhập khẩu.
![]() |
Minh Phú, một trọng những doanh nghiệp thủy sản hàng đầu Việt Nam đã sớm triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử. |
Ngoài ra còn có lợi ích phát sinh khác khi áp dụng hình thức truy xuất nguồn gốc điện tử là tên tuổi doanh nghiệp sản xuất hay xuất khẩu sẽ được người tiêu dùng biết đến khi họ kiểm tra nguồn gốc. Hiện nay đối với sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam, thường người tiêu dùng chỉ biết đến thương hiệu của nhà bán lẻ.
Mặc dù Việt Nam có không ít nhà sản xuất uy tín, có chuỗi sản xuất và sản phẩm được chứng nhận bởi các tổ chức chứng nhận khắt khe nhất như BAP, GAP, ASC, CS…, nhưng những thông tin hầu như không được truyền tải đúng lúc và đúng kênh đến người tiêu dùng. Triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc có thể cắt giảm rủi ro trong quá trình đưa sản phẩm vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Minh Trí